Bảo vệ tài khoản Facebook của bạn khỏi bị "Hack"

Theo tôi thấy thì hiện nay mọi người nói “bị Hack Facebook” để ám chỉ, nói đến việc tài khoản Facebook của họ không thể đăng nhập được nữa với bất kỳ lý do gì. Tôi không viết bài này để đánh giá mọi người dùng câu từ nào để nói, về căn bản nói thế nào cũng được, để mọi người đều hiểu là được :D Ok… Tôi viết bài này là để liệt kê vài lý do khiến tài khoản Facebook của bạn không thể đăng nhập được và cách để bảo vệ tài khoản Facebook của bạn khỏi bị hack. Việc bạn bị mất tài khoản Facebook không đơn giản là chỉ mất tài khoản mà còn liên quan đến việc những thông tin bí mật mà bạn đã nhắn qua lại hoặc các thông tin cá nhân bạn đã viết trong tài khoản Facebook đó nữa. Rất nguy hiểm nếu:

Đầu tiên, tôi muốn liệt kê vài lý do phổ biến cho việc không thể đăng nhập vào Facebook:

1. Thứ nhất là sai tên đăng nhập hoặc mật khẩu:

Vâng, bạn không đọc nhầm đâu, cũng như không có gì khó hiểu về trường hợp này. Khi đăng nhập hai ba lần mà vẫn thấy “Tên tài khoản hoặc mật khẩu không chính xác” thì dành ít phút kiểm tra lại tên đăng nhập và mật khẩu cho kỹ trước khi phải mất công tạo một tài khoản mới và kết nối mọi thứ lại từ đầu. Tôi lấy ví dụ cho các lỗi nhập liệu thường gặp: mật khẩu là “Abc123” nhưng lại nhập “abc123” nhớ viết chữ A in hoa nhá. Hoặc “@gmai.com”, thấy gì không ạ? “Gmail” (có chữ “l”) và có đôi khi nhấn nhanh quá còn viết thành “@gmail.con” (vâng, chấm “com” không phải “con”). Mấy cái này hay nhầm lắm 😁.

2. Nếu bạn đã nhập chính xác thông tin đăng nhập nhưng vẫn bị báo là không chính xác thì nguy cơ cao là tài khoản của bạn đã thực sự bị hack lấy mất.

Trường hợp may mắn là khi hacker không thay luôn email hoặc số điện thoại bạn đã cài đặt cho tài khoản vì bạn vẫn sẽ còn cơ hội để lấy lại tài khoản của mình bằng email hoặc số điện thoại đã đăng ký (bấm vô Quên mật khẩu? và làm theo hướng dẫn). Đối với trường hợp tệ hơn là email và số điện thoại đăng ký của bạn bị xóa khỏi tài khoản thì … mất luôn. Dấu hiệu cho việc bị xóa email và số điện thoại đăng ký là khi đăng nhập bạn nhận được thông báo “Email bạn nhập không khớp với tài khoản nào”... hoặc đại khái là thông báo kiểu như vậy.

3. Đăng nhập được nhưng nhận được thông báo bị khóa vì vi phạm nguyên tắc cộng đồng của Facebook hoặc tài khoản của bạn bị cho là giả mạo ai đó. Nếu bạn còn nhớ vụ hàng loạt tài khoản FB bị khóa vì phát tán 1 cái link gần đây thì chính là nó.

4. Khi bạn đăng nhập được nhưng bị hỏi nhiều câu hỏi như “comment nào bạn đã comment trong vòng mấy ngày gần đây” hoặc “chọn những người là bạn của bạn trong danh sách sau”, v..v. Đối với trường hợp này, lý do là Facebook nhận thấy có ai đó đang cố gắng đăng nhập vào Facebook của bạn (nhập mật khẩu sai quá nhiều lần cùng 1 lần...). Hệ thống bảo mật của Facebook sẽ tạm thời khóa tài khoản của bạn chờ bạn đăng nhập lại và xác minh. 

Bạn vừa đọc qua các lý do khiến bạn không đăng nhập được vào Facebook nữa và không thấy tôi liệt kê cái nào kiểu “hacker ngồi vào máy tính mở màn hình đen đen, ngồi gõ tinh tinh gì đấy rồi lấy mất tài khoản của bạn”. Đúng là có những người có thể làm được điều đó nhưng phải nói là rất khó. Hệ thống bảo mật của Facebook rất đảm bảo, đáng tin cậy và được nâng cấp hằng ngày, hằng giờ. Họ còn có cả đội ngũ hacker xịn xò để đào bới các lỗ hổng bảo mật và xử lý ngay lập tức nên việc “hack Facebook” là rất khó. Vậy tại sao tôi vẫn bị lấy mất nick Facebook? Hacker thường không cố hack hệ thống bảo mật của Facebook mà họ sẽ tìm cách lừa bạn để bạn đưa tài khoản và mật khẩu cho họ. Cho nên việc bị mất tài khoản Facebook thường là do người dùng bị lừa thay vì hacker hack được hệ thống bảo mật của Facebook. Thay vì cố gắng giải thích dài dòng thì tôi sẽ liệt kê những cách để bạn bảo vệ tài khoản Facebook của bạn và kèm theo lý do nhé:

  • Ngoài số điện thoại, bạn nên cài đặt thêm một email để đăng nhập vào tài khoản Facebook. Nhỡ bạn mất cái sim đang dùng để đăng ký Facebook bạn vẫn sẽ còn email để bảo vệ tài khoản Facebook của bạn. Các thông báo cảnh báo về bảo mật cũng sẽ được gửi qua email còn số điện thoại thì không.
  • Thứ hai là đừng truy cập vào các đường link linh tinh ở trên Facebook. Các bạn có thấy ngày càng nhiều tài khoản ảo comment các đường link dưới các bài post bán hàng online hoặc dưới các bài viết có nhiều người theo dõi không? Tiêu đề rất hot như Nghệ sĩ A lộ clip s.e.x, Ca sĩ B bị đánh ghen,... Cái này thì tôi không nói nhiều làm gì, cứ lấy vụ hàng loạt tài khoản Fb bị khóa vì lan truyền link video hai bé dưới tuổi vị thành niên kia làm bài học. Nguy hiểm hơn là khi click vào các đường link kia bạn vô tình cung cấp cho hacker quyền truy cập nào đó trong tài khoản bạn và bạn sẽ bị họ lấy các thông tin cá nhân khác nữa. Vì thế, xin đừng click vào các đường dẫn linh tinh trên Facebook nhá.
  • Nếu bạn có truy cập vô tình click vào các đường link mà tôi đã nói ở trên (cái này dễ xảy ra khi lướt comment xong điện thoại cảm ứng nhạy quá rồi click vô chứ không phải chủ đích) hoặc bất kì một trang web nào thì xin để ý điều này. Nếu cái trang web đó mà yêu cầu bạn đăng nhập lại Facebook để xem nội dung bằng cách bắt bạn nhập lại tên đăng nhập và mật khẩu thì chắc chắn 100% là nó đang yêu cầu bạn đưa tài khoản mật khẩu cho hacker. Thông thường, sau khi bạn đã đăng nhập Facebook rồi, khi truy cập vào một trang web và yêu cầu xác thực bằng Facebook thì bạn không cần phải viết lại tên đăng nhập và mật khẩu nữa. Hoặc nếu có, thì một cái cửa sổ web nhỏ nhỏ với địa chỉ là facebook.com sẽ được hiển thị đè trên trang web cũ để cho bạn đăng nhập chứ không phải ngay trên trang web cũ. Đây là cách phổ biến nhất mà hacker hay dùng để lấy cắp tài khoản Facebook của bạn vì như tôi đã nói hack hệ thống Facebook là khó vô cùng nên lừa người dùng để họ tự đưa tài khoản và mật khẩu thì dễ hơn nhiều. Các trang web mà hacker dùng để lừa bạn đăng nhập lại trông rất giống trang Facebook thật đôi khi là giống 100% và chỉ có tinh ý mới nhận ra sự khác biệt trên địa chỉ của trang web đó. Và khi bạn gặp những trang web kiểu như thế thì… dừng lại, tắt nó đi.
  • Đặt một mật khẩu mạnh hơn cho tài khoản Facebook của bạn. Mật khẩu mạnh là như thế nào? Đừng đặt mấy cái dễ đoán như ngày sinh của mình, 123456 hay đại loại như thế. Một mật khẩu mạnh thường bao gồm Chữ cái, chữ số và ký tự đặc biệt. Bạn có thể thử các mật khẩu như @Yeugiadinh1 (Yêu gia đình nhất), #Deptrai1 (hashtag đẹp trai nhất), Yeu$nhat (Yêu đô la nhất), v..v.
  • Cài đặt Xác thực hai bước cho tài khoản Facebook của bạn. Cái này thì tôi rất khuyến nghị mọi người nên làm nhất là những người có tài khoản nhiều người theo dõi, nhiều tương tác, những tài khoản bán hàng online. Về Xác thực hai bước thì nói đơn giản là sau khi bạn đăng nhập bằng mật khẩu thì bạn phải nhập thêm một cái mã nữa mà được Facebook gửi về điện thoại của bạn. Cái mã này giống như mã OTP mà tôi đề cập ở bài viết trước (#HP_1). Khi hacker lấy được tên đăng nhập và mật khẩu bạn sau và họ muốn đăng nhập vào? Thông cảm nha ông bạn, ông cần thêm cái mã OTP nữa, muốn có thì bạn cần hack cả điện thoại của tôi nữa.
Hiện tại tôi chỉ nhớ có chừng này thôi, nhưng cũng phần nào sẽ giúp tài khoản Facebook của bạn được bảo mật hơn rồi. Bạn cứ áp dụng để bảo mật tài khoản của bạn nhé, dù nó không đảm bảo 100% là tài khoản của bạn không bao giờ bị hack mất đi nhưng việc lấy tài khoản của bạn cũng là một thử thách khó nhai. Nếu bạn thắc mắc về bất kì điều gì tôi nói ở trên như là làm sao để cài đặt xác thực hai bước,v..v, xin cứ thoải mái comment ở dưới bài viết nha.  

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hiểu về Eagle Loading và Lazy Loading trong .NET

Cách mà những kẻ lừa đảo lấy tiền trong tài khoản ngân hàng bạn mà không cần cầm giữ thẻ hay mật khẩu